Giới thiệu

Hậu môn trực tràng là đoạn cuối cơ quan tiêu hóa, gồm 2 phần riêng biệt: trực tràng và hậu môn, có chức năng lưu lại chất thải và tham gia vào quá trình đào thải ra ngoài. Vì vậy, các tác nhân thay đổi bởi hệ tiêu hóa không khắc phục kịp thời có thể dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Hậu  môn trực tràng là gì?

Như đã nói ở trên thì hậu môn trực tràng là phần kết thúc ở ruột già và chấm dứt ở ruột non. Tức, trực tràng là nơi chứa phân rồi đẩy chúng ra ngoài qua lỗ hậu môn.

Thông thường, trực tràng trống rỗng vì phân được lưu trữ trong đại tràng giảm dần. Tuy nhiên, sau khi đại tràng đầy, phân sẽ di chuyển vào trực tràng và tạo nên sự thôi thúc buồn đi đại tiện. Nhìn chung, người lớn và trẻ lớn thường sẽ chịu sự thôi thúc này cho đến khi họ đến nhà vệ sinh nhưng trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thiếu kiểm soát cơ có thể đi tiêu tại chỗ. Khi đó, hậu môn sẽ mở cửa để phân rời khỏi cơ thể.

Hậu môn được hình thành một phần từ các lớp bề mặt của cơ thể,bao gồm cả phần da và phần ruột. Bên cạnh đó, bộ phận này còn được lót bằng một lớp da bên ngoài và có một vòng cơ thắt hậu môn thực hiện chức năng đóng mở hậu môn khi người có nhu động ruột, muốn đi tiêu.

Một số bệnh lý về hậu môn trực tràng thường gặp

Bệnh trĩ

 Trĩ là hiện tượng các mạch máu vùng hậu môn, trực tràng bị căng giãn to, sung huyết, dễ chảy máu. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như thói quen đứng hoặc ngồi lâu một vị trí, ăn uống thiếu khoa học, táo bón kéo dài,căng thẳng, stress, lười vận động, tác dụng phụ của thuốc....

Bệnh trĩ được chia thành 3 loại:

·        Trĩ nội: các búi trĩ hình thành bên trong hậu môn.

·        Trĩ ngoại: các búi trĩ hình thành bên ngoài hậu môn, có thể sờ hay nhìn thấy bằng mắt thường.

·        Trĩ hỗn hợp: là tổng hòa cả trĩ nội và trĩ ngoại xảy ra trong cùng một thời điểm.

 Trong đó, trĩ nội là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng bên trong hậu môn và trực tràng, không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Còn trĩ ngoại là các mạch máu sưng lên gần lỗ hậu môn hoặc phình ra bên ngoài.

Bệnh trĩ thường xuất hiện với các triệu chứng như:                                 

·        Đi ngoài ra máu đỏ tươi: thường xuất hiện sau khi đi đại tiện,máu có thể chảy thành từng giọt, thành từng tia hoặc nhìn thấy máu khi chùi bằng giấy.

·        Cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn: đau, rát, căng tức khó chịu,sưng đau hậu môn.

·        Toàn thân: thường không có nhiều thay đổi, thiếu máu có thể gặp ở những trường hợp trĩ có chảy máu.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm bệnh sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: đại tiện khó khăn gây chảy máu, viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.

Áp xe hậu môn

Áp xe hậu môn là tình trạng sưng tấy, đau đớn do mưng mủ gần khu vực hậu môn. Phần lớn, hiện tượng này được sinh ra do kết quả của nhiễm trùng các tuyến hậu môn nhỏ, phổ biến nhất là áp xe quanh hậu môn. Nguyên nhân chủ yếu gây ra áp xe hậu môn là do vết nứt hậu môn không được điều trị đúng cách,triệt để gây nhiễm trùng.

Áp xe hậu môn tưởng chừng hiếm gặp nhưng hiện nay xảy ra khá phổ biến ở người. Bệnh không được kịp thời phát hiện và điều trị sẽ để lại những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

Các triệu chứng thông thường là sưng quanh hậu môn và đau liên tục, cơn đau dữ dội khi người bệnh ngồi xuống hoặc ho. Ngoài ra, bệnh còn thường gặp với các biểu hiện như chảy mủ, sưng đỏ hoặc táo bón,… Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nhưng nếu được điều trị kịp thời sẽ giúp chấm dứt tình trạng đau nhức, khó chịu do bệnh gây ra. 

Áp xe được điều trị bằng dẫn lưu mủ từ ổ áp xe ra ngoài, tạo lỗ mở bên cạnh hậu môn để giảm áp lực. Thường có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ, trong những trường hợp có ổ áp xe lớn và sâu hơn, hay nhiều ổ áp xe có thể được dẫn lưu dưới gây tê vùng hay gây mê.

Bên cạnh đó, họ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân sử dụng nhằm khắc phục bệnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bệnh chuyển nặng gây rò hậu môn, phẫu thuật chính là giải pháp cần thực hiện, giúp cải thiện bệnh.

Áp xe hậu môn nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng là rò hậu môn, do vậy người bệnh cần nhanh chóng chữa trị kịp thời tránh để bệnh kéo dài.

Rò hậu môn

Rò hậu môn là bệnh lý có các ống sưng lên xung quanh hậu môn, do đường rò, lỗ rò bên trong hoặc bên ngoài tạo thành:

·        Lỗ rò bên trong thường ở dưới trực tràng hoặc ống hậu môn,thường là một lỗ.

·        Lỗ rò bên ngoài thường ở trên da hậu môn, có thể 1 hoặc nhiều lỗ.

·        Phần lớn rò hậu môn là do áp-xe quanh hậu môn phát triển lên.

Đây là bệnh lý phổ biến ở những bệnh nhân bị áp xe hậu môn trực tràng, crohn, lao hoặc  những đối tượng bị chấn thương hậu môn trực tràng,viêm túi thừa, ung thư. Trẻ sơ sinh cũng có khả năng mắc rò hậu môn bẩm sinh,phổ biến ở bé trai. 

Triệu chứng điển hình của bệnh rò hậu môn là ở lỗ rò có mủ hoặc mủ lẫn máu.

Rò hậu môn trực tràng thường gây đau nhức và tạo mủ ở vị trí bị rò. Biện pháp điều trị bệnh thường là phẫu thuật. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau và chống viêm kèm theo để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng và làm giảm đau.

Ngoài các bệnh nói trên còn có nhiều bệnh lý liên quan đến hậu môn trực tràng khác như ngứa hậu môn, hội chứng Levator, bệnh Pilonidal, viêm ruột, vật lạ ở hậu môn và trực tràng,…

Điều trị: hai yêu cầu cần phải đạt, phá hủy đường rò và bảo vệ an toàn cơ thắt. Kết hợp dùng thuốc kháng sinh toàn thân liều cao, thuốc giảm đau, kháng viêm, nâng đỡ thể trạng.

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là một vết rách nhỏ ở mô mỏng chảy ra hậu môn, xuất hiện do:

·        Đi cầu phân cứng khô đã tạo nên vết rách niêm mạc theo chiều dọc ở ống hậu môn.

·        Tiêu chảy nhiều lần hoặc mắc các bệnh viêm vùng hậu môn trực tràng.

·        Bệnh hình thành do sinh non, giao hợp qua đường hậu môn hoặc một số bệnh lý như giang mai, ung thư hậu môn.

Biểu hiện điển hình của bệnh: 

·        Đau nhiều mỗi khi đi cầu.

·        Đau kiểu thắt nhói kéo dài nhiều giờ.

·        Kèm theo chảy ít máu tươi.

Nứt kẽ hậu môn thường gây đau nhức và chảy máu mỗi khi người bệnh đi tiêu. Bệnh nếu không được chữa lành, vết nứt có thể phát triển sâu vào bên trong thịt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. 

Vết nứt cấp tính thường nông và mau lành nếu điều trị đúng. Vết nứt mạn tính (kéo dài hơn 1 tháng) gây loét sâu đến tận cơ thắt hậu môn, thường do tác nhân gây bệnh chưa được giải quyết.

Điều trị nứt kẽ hậu môn cần tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong một số trường hợp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả,người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần bên cơ vòng trong ống hậu môn giúp làm giảm cơn đau. Vì vậy, khi thấy triệu chứng bệnh, người bệnh nên khám và chữa trị càng sớm càng tốt.

Ung thư hậu môn

 Ung thư hậu môn là bệnh lý hiếm gặp, phát triển trong các tế bào da xung quanh hậu môn hoặc lớp lót khu vực chuyển tiếp giữa hậu môn-trực tràng. Đây là một dạng ung thư tuyến ở biểu mô tế bào vảy.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm trùng papillomavirus ở người (HPV), bệnh bạch cầu, rò rỉ mãn tính, nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV), nhận xạ trị trên da hậu môn hoặc do hút thuốc lá,…

Theo một số thống kê, có khoảng 25% người bị ung thư hậu môn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng khác thường nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh hình thành với biểu hiện nhận biết điển hình như đau và chảy máu khi đi tiêu. Đôi khi người bệnh còn có cảm giác ngứa ngáy quanh hậu môn.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân soi đại tràng, nội soi đại tràng hoặc sinh thiết. Về phần điều trị, có thể áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp giữa các phương pháp như xạ trị, hóa trị hoặc phẫu thuật.

Cách phòng tránh bệnh lý hậu môn- trực tràng

Để phòng tránh bệnh lý hậu môn- trực tràng hiệu quả, người bệnh nên thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày, cụ thể:

·        Tăng cường vận động, tập thể dục đều đặn mỗi ngày.

·        Ngủ nghỉ hợp lý, tránh thức quá khuya, tránh căng thẳng thần kinh.

·        Thêm chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày: Nên ăn khoảng 25 đến 30 gram chất xơ mỗi ngày để giúp làm mềm phân và cải thiện khả năng chữa lành vết nứt. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, trái cây và hoa quả, các loại hạt, ngũ cốc

·        Uống đủ nước: Bổ sung đủ nước cho cơ thể, ít nhất 6 – 8 cốc nước mỗi ngày không chỉ tốt cho quá trình trao đổi chất mà còn giúp làm mềm phân,ngăn ngừa bệnh táo bón

·        Tránh căng thẳng khi đi tiêu: Căng thẳng trong quá trình đi tiêu có thể gây ra một vết rách ở hậu môn. Do đó, nên giữ tinh thần thật thoải mái.

·        Kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trên đây là một số kiến thức tổng quát về bệnh hậu môn trực tràng. Đây đều là những bệnh nguy hiểm, gây ra biến chứng nặng nề nếu không được thăm khám, điều trị kịp thời. Vì vậy, khi thấy triệu chứng bệnh xuất hiện,bệnh nhân nên đến bệnh viện kiểm tra và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Get in touch